Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Những công nghệ sắp thay thế cho password truyền thống

Những cách nhận diện độc đáo như nhịp tim, tĩnh mạch, selfie, mống mắt... được dự đoán sẽ thay thế mật khẩu phổ thông trong tương lai.

Giống như dấu vân tay, không có nhịp tim nào là giống nhau hoàn toàn. Dựa vào đó, các nhà khoa học đã sử dụng bộ cảm biến điện tâm đồ (ECG) nhằm chuyển nhịp tim của một người thành "chữ ký đặc biệt" để xác minh danh tính. Hiện tại, với Nymi Band, thiết bị đã hiện thực hóa ý tưởng trên, người dùng chỉ cần nghe một bản nhạc để mở mật khẩu trên máy tính.

Cũng giống như nhịp tim, dấu vân tay, mẫu tĩnh mạch cũng là thứ nhằm xác định danh tính con người. Trong đơn xin cấp bằng sáng chế vào năm 2015, Samsung đã gợi ý sử dụng mẫu tĩnh mạch ở mặt sau của người dùng trong việc thay thế mật khẩu. Cụ thể, camera gắn trên đồng hồ thông minh vẽ ra tĩnh mạch của người đeo. Khi được xác nhận là đúng, họ có thể làm mọi thứ từ việc mua nhạc để đăng nhập vào tài khoản.

Đây là ý tưởng khá phổ biến và đang được thử nghiệm bởi nhiều công ty. Thiết bị sẽ chụp lại khuôn mặt của người dùng để xử lý. Hiện nay, nhiều điện thoại thông minh Android có tính năng này. Tuy nhiên, mức độ nhận diện vẫn chưa tốt.

Một bằng sáng chế của Google đưa ý tưởng nhận dạng danh tính bằng cách đo kích thước của bộ phận cơ thể. Camera có cảm biến chiều sâu sẽ ghi lại ảnh của người dùng và phần mềm sẽ phân tích mức độ tương quan cơ thể để đưa ra kết quả.

Xác nhận danh tính bằng phương pháp nhận diện mống mắt giống các bộ phim viễn tưởng đã trở thành hiện thực. Một số điện thoại có tính năng này như Lumia 950, Samsung Galaxy Note 7, Vivo X5 Pro, Fujitsu Arrows NX...

Mật khẩu dài 20 ký tự sẽ rất dễ quên nhưng khó để mất thiết bị đeo quanh cổ tay hoặc ngón tay. Một số công ty về bảo mật đang khám phá cách sử dụng công nghệ đeo như một cách để mở khóa thiết bị. Chức năng này đã được tích hợp sẵn trong Apple Watch.

 Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Baptist (Hong Kong) đã tạo ra phần mềm nhận dạng môi để xác định danh tính dựa trên cách phát âm những từ nhất định. Người dùng chỉ cần nói (hay nhép môi) mật khẩu phía trước camera để mở khóa. Cho dù kẻ xấu biết được mật khẩu nhưng vẫn không có tác dụng nếu không có đôi môi của người dùng.

 Ngày càng có nhiều công ty đang sử dụng phần mềm nhận dạng giọng nói như là một cách để chứng thực khách hàng. Hiện nay, ngân hàng HSBC hay TalkTalk ở Anh cho phép người dùng đăng nhập vào tài khoản chỉ bằng giọng nói.

 Motorola đã đưa ra ý tưởng về một thiết bị dạng "viên thuốc" có thể nuốt được, truyền tín hiệu cho các thiết bị lân cận xung quanh. Nếu người dùng đang ở gần điện thoại hoặc máy tính, nó sẽ tự động mở khóa. Nhưng vẫn không cho kẻ lạ xâm nhập vào.

Theo Gia Bảo (Tri Thức Trực Tuyến)

Bảng mạch Apple 1 siêu hiếm được mang đấu giá

Bảng mạch của Apple 1 được đánh giá là hiếm có và kỳ vọng sẽ thu về số tiền vượt 1 triệu USD.

bang-mach-apple-1-gia-700000-usd-duoc-mang-dau-gia

Bảng mạch Apple 1 còn hoạt động hoàn hảo.

Theo thống kê, khoảng 60 bảng mạch Apple 1 được bán ra trên thế giới trong số 200 bảng mạch ra đời tại nhà để xe của gia đình Jobs vào 1976. Số còn lại bị tiêu hủy, hoặc không tung ra thị trường. Hiện tại, số lượng bảng mạch chiếc máy tính này trên thực tế còn lại rất ít, nếu không muốn nói là cực kỳ hiếm.

Bảng mạch sẽ đi kèm sách hướng dẫn sử dụng, băng cassette, sơ đồ bảng mạch... Vào giữa năm 2016, bảng mạch mang tên "Celebration" được mang đấu giá và thu về 815.000 USD. Năm 2014, một chiếc Apple-1 khác bán với giá 365.000 USD. Tuy nhiên, chiếc Apple-1 có mức giá cao nhất từng bán thuộc về tổ chức The Henry Ford với 905.000 USD vào cuối năm 2014. Các nhà bán đấu giá kỳ vọng sẽ xác lập kỷ lục mới, thậm chí vượt mốc 1 triệu USD với "Schoolsky".

bang-mach-apple-1-gia-700000-usd-duoc-mang-dau-gia-1

Cuốn tạp chí có chữ ký của Steve Jobs cũng được mang đấu giá.

Ngoài ra, đi kèm với bảng mạch là cuốn tạp chí Newsweek xuất bản 24/10/1988 với trang bìa là hình ảnh Steve Jobs khi còn trẻ, kèm dòng chữ "Mr. Chips. Steve Jobs Puts The 'Wow' Back In Computers". Đặc biệt, phía dưới nó là dòng chữ viết tay "I love manufacturing" và chữ ký của cố CEO Apple. Cuốn tạp chí này được bán đấu giá với kỳ vọng sẽ thu về khoảng 10.000 đến 15.000 USD.

Theo Bảo Lâm (VnExpress.net)

4 sản phẩm công nghệ bạn không bao giờ nên mua hàng tân trang

Hàng tân trang (refurbished) giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền bởi bao giờ chúng cũng được bán với giá rẻ hơn hàng mới; tuy nhiên, bạn nên tránh mua phiên bản refurbished của 4 sản phẩm công nghệ dưới đây.

Dù được đánh giá là tốt gần như ngang với hàng mới, nhưng các sản phẩm tân trang (refurbished) thường được bán với giá rẻ hơn đáng kể. Vì sao có sự khác biệt đó? Để trả lời câu hỏi, trước tiên bạn cần biết hàng tân trang nghĩa là gì.

Hàng tân trang là loại hàng mà vì một số lý do nào đó, không còn có đủ tiêu chuẩn để xem là hàng mới. Trong hầu hết các trường hợp, nó là hàng đã được ai đó mua rồi trả lại cửa hàng hoặc nhà sản xuất. Lý do trả thì có thể là bởi sản phẩm có nhược điểm, hoặc có thể là khách hàng không hài lòng. Dù với lý do nào đi nữa thì sản phẩm được trả lại này sẽ được kiểm tra; và nếu cần, nó sẽ được sửa chữa hoặc tân trang lại. Nó được sửa chữa tới mức độ nào thì tuỳ thuộc từng sản phẩm cụ thể, và tuỳ thuộc ai là người làm việc này - nhà sản xuất hay đại lý (reseller).  

Một ví dụ như, các sản phẩm refurbished của Apple được đánh giá là tốt tương đương hàng mới. Những chiếc MacBook hay iPad refurbished sẽ có pin và vỏ ngoài mới, cùng 1 năm bảo hành. Nói cách khác, bạn gần như không gặp bất kỳ rủi ro nào khi mua hàng refurbished từ Apple. 

Tuy nhiên, cũng là sản phẩm của Apple nhưng nếu mua hàng refurbished từ đại lý bên thứ ba, các rủi ro thường lớn hơn rất nhiều. Thỏi pin bên trong có thể không phải là pin như khi nó được sản xuất; hoặc có thể đại lý chỉ bảo hành sản phẩm đó cho bạn trong 3 tháng mà thôi. Bạn cũng phải đối mặt với các nguy cơ khác, và tựu chung lại, dưới đây là những sản phẩm mà bạn không bao giờ nên mua hàng tân trang. 

Ổ cứng

 

Khi mua hàng tân trang, một số người sẽ có suy nghĩ rằng: nếu nó đã bị trả lại do có nhược điểm, và nhược điểm đó đã được khắc phục, vậy thì họ sẽ được dùng một sản phẩm thậm chí tốt hơn hàng mới. Tuy nhiên, điều này không đúng với ổ cứng máy tính. Khi nó được trả lại do lỗi hay đơn giản do người dùng trước không thích, một sự thật hiển nhiên là ổ đã được sử dụng. Trong những công nghệ tân trang sản phẩm hiện nay thì không có cách nào có thể khôi phục tình trạng của nó về trạng thái như lúc được sản xuất. Bên cạnh đó, ổ cứng là mặt hàng có giá bán khá rẻ, và không có lý do gì bạn mạo hiểm các dữ liệu quý giá của mình chỉ để tiết kiệm một ít tiền bạc. 

Điện thoại

 

Rất nhiều sản phẩm điện thoại hàng refurbished được bán với giá hời trên internet. Ví dụ như Daily Steals rao bán chiếc iPhone 6 refurbished (64 GB, không khoá mạng) với giá chỉ 270 USD. Như vậy, bạn có thể tiết kiệm được kha khá tiền, tuy nhiên, đổi lại thì như đã nói, đổi lại bạn sẽ mua phải một chiếc điện thoại có pin đã qua sử dụng. Liệu pin đã bị mòn hết bao nhiêu? Thời gian dùng còn dài hay ngắn? Không ai biết chính xác điều đó. Pin là thứ rất quan trọng với smartphone, và một điều rất tuyệt vời khi bạn mua những chiếc chiếc điện thoại mới đó là bạn được sở hữu một thỏi pin "mới cứng", chưa hề qua sử dụng. 

Tất cả iPhone hay rất nhiều điện thoại Android hiện nay đều dùng pin liền, không thể tháo rời. Điều này khiến việc xác định pin bên trong các máy refurbished còn mới hay đã cũ. Bởi vậy, trừ khi bạn chắc chắn model refurbished mình định mua sở hữu thỏi pin chưa bị mòn quá nhiều, nếu không hãy tránh xa chúng. 

Vấn đề pin cũng tương tự đối với máy tính bảng, dù với dòng thiết bị này trải nghiệm của bạn sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều như smartphone (do tablet thường có pin rất lớn). 

Máy in 

Khi những chiếc máy in được trả lại cho cửa hàng hay nhà sản xuất, thì có nghĩa là trước đó nó đã được sử dụng. Mực in chắc chắn đã chảy qua các bộ phận bên trong của máy in. Điều đó đồng nghĩa với việc, không một công nghệ tân trang nào có thể giúp khôi phục nó về tình trạng như lúc xuất xưởng. Và như tất cả chúng ta đều biết, với những chiếc máy in không được sử dụng trong một thời gian dài, mực và chất liệu màu sẽ bị lắng lại. 

Dù vậy, nếu bạn nhận được sự đảm bảo của đại lý bán hàng rằng, chiếc máy in đã được nhà sản xuất chứng nhận lại, và nó được trang bị mực in mới, bạn vẫn có thể mua hàng refurbished - đặc biệt nếu khoản tiền tiết kiệm được (so với mua hàng mới) là đáng kể. 

TV

 

TV tân trang thường có giá rẻ hơn khá nhiều hàng mới, có khi rẻ được hơn tới vài trăm USD. Tuy nhiên, đi kèm với đó là hàng loạt "sự đánh đổi". Một ví dụ như chúng có thời gian bảo hành ngắn. Thông thường những mẫu TV tân trang chỉ được bảo hành 90 ngày, và đối với các sản phẩm TV ngày nay vốn không có tính ổn định cao, đó là một khoảng thời gian bảo hành quá ngắn. Chiếc TV của bạn cần được đảm bảo trong vòng ít nhất là 1 năm hoặc càng lâu hơn nữa càng tốt. 

Chưa hết, TV tân trang có vẻ như không được sửa chữa lại một cách cẩn thận giống như laptop, tablet, hay các sản phẩm khác. Bởi vậy, bạn có nguy cơ mua về một chiếc TV với giá đỡ bị hỏng, hay bao bì được đóng gói một cách cẩu thả. Với loại sản phẩm này, trừ khi bạn có thể tận tay mua hàng để kiểm tra hộp đựng cũng như các thứ khác (và đảm bảo mọi thứ đều 'OK'), nếu không đừng bao giờ mua những chiếc TV tân trang. 

Theo MT (Ictnews.vn)

Microsoft sửa lỗi Skype không thể hoạt động trên iPhone mới

Các báo cáo mới nhất cho biết người dùng iPhone 8 và iPhone 8 Plus đang gặp vấn đề khi sử dụng ứng dụng Skype của Microsoft, với hầu hết nhận thông báo lỗi khi khởi động.

Vấn đề Skype không thể khởi động trên iPhone 8 có vẻ xuất phát từ Microsoft /// Ảnh: Reuters

Theo Neowin, sau khi tiếp nhận các vấn đề trên Twitter, Microsoft đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố thừa nhận vấn đề xảy ra trên Skype và hứa hẹn sẽ đưa ra một bản sửa lỗi trong tương lai không xa.

“Chúng tôi ghi nhận các vấn đề người dùng không thể kết nối với Skype trên loạt iPhone 8 mới. Các kỹ sư của chúng tôi đang tích cực điều tra vấn đề này và chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết trong thời gian càng sớm càng tốt”, Microsoft cho biết.

Mặc dù Microsoft chưa công bố vấn đề gây ra lỗi nhưng giới phân tích cho rằng điều này dường như xuất phát từ việc Skype chưa được tối ưu cho các thiết bị mới.

Ghi nhận từ Neowin cho thấy Microsoft có vẻ đã bắt đầu phát triển bản sửa lỗi vào cuối tuần qua, tuy nhiên nó vẫn trong giai đoạn thử nghiệm mà chưa được công khai đến cộng đồng. Ở thời điểm hiện tại vẫn còn một số người dùng Twitter báo cáo lỗi Skype không khởi động được.

Được biết, iPhone 8 và iPhone 8 Plus là hai sản phẩm vừa chính thức được Apple phát hành vào ngày 22.9 vừa qua tại một số thị trường với giá khởi điểm 699 USD.

Các báo cáo cho thấy doanh số bán iPhone 8 dường như không được như kỳ vọng, nhiều khả năng điều này xuất phát từ tâm lý người tiêu dùng tập trung vào iPhone X - chiếc smartphone cao cấp nhất của Apple trong năm 2017 dự kiến sẽ được công ty phát hành ra thị trường vào đầu tháng 11.

Theo Thành Luân (Thanh Niên Online) 

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

10 mẹo tìm kiếm trên Google không phải ai cũng biết

Các ký hiệu "~", "-", "*" có ý nghĩa quan trọng trong ô tìm kiếm của Google, giúp bạn tìm được thông tin chính xác trong thời gian ngắn. 

1. Tìm kiếm a hoặc b

Nếu bạn không chắc chắn có nhớ đúng thông tin hoặc tên cần tìm kiếm, hãy chỉ đơn giản là thêm một vài dấu hiệu như dấu "|" hay chữ "or" giữa các từ khóa bạn băn khoăn để dễ dàng tìm ra kết quả hợp lý nhất.

2. Tìm kiếm bằng cách sử dụng từ đồng nghĩa

Nếu bạn cần tìm website về một chủ đề nào đó hơn là website chứa một cụm từ cụ thể, hãy thêm ký hiệu "~" vào giữa các từ cùng một nhóm nghĩa trong ô tìm kiếm. 

Chẳng hạn, nếu bạn gõ cụm từ "healthy ~food", bạn sẽ nhận được kết quả về các nguyên tắc ăn uống lành mạnh, công thức nấu ăn cũng như cách lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng.

10-meo-tim-kiem-tren-google-khong-phai-ai-cung-biet
 

3. Tìm kiếm trong website

Đôi khi bạn đọc được bài viết thú vị trên một trang web và sau đó muốn chia sẻ với bạn bè hoặc muốn đọc lại. Cách dễ nhất để tìm kiếm là nhập địa chỉ trang web cùng một từ khóa hoặc một cụm từ trong bài viết, nó sẽ xuất hiện ngay. 

4. Sức mạnh của dấu "*"

Khi bạn không thể nhớ chính xác một cụm từ hoặc câu hoàn chỉnh mà chỉ nhớ mang máng, dấu "*" rất hữu ích trong trường hợp này. Chỉ cần sử dụng dấu "*" ở những vị trí của từ hoặc cụm từ mà bạn không thể nhớ, Google sẽ cho ra kết quả bạn muốn tìm kiếm một cách dễ dàng. 

5. Khi thiếu nhiều từ

Nếu bạn không chỉ quên một từ mà quên đến một nửa cụm từ quan trọng, hãy thử viết ra những từ đầu tiên và cuối cùng rồi đặt "AROUND + (ước lượng số từ vựng không nhớ ra)" giữa chúng. Ví dụ: Khi gõ "I wandered AROUND(4) cloud", bạn sẽ tìm được kết quả là cuốn thơ nổi tiếng "I wandered lonely as a cloud" của William Wordsworth.

6. Sử dụng khung thời gian

Đôi khi chúng ta cần biết những sự kiện đã xảy ra trong khoảng thời gian nhất định. Để tìm kiếm, bạn có thể thêm khung thời gian vào ô tìm kiếm với sự trợ giúp của dấu 3 chấm giữa hai khoảng thời gian. Ví dụ, nếu muốn tìm những khám phá khoa học trong thế kỷ 20, bạn có thể viết "scientific discoveries 1900...2000". 

7. Tìm kiếm tiêu đề hoặc URL

Để tìm các từ khóa có trong tiêu đề của một bài báo hay website, hãy gõ "intitle:" trước từ cụm từ đó, không có dấu cách giữa chúng. Để tìm các từ có trong URL, hãy sử dụng cú pháp tương tự với "inurl:".

10-meo-tim-kiem-tren-google-khong-phai-ai-cung-biet-1
 

8. Tìm các website tương tự

Nếu bạn xem được thứ gì đó rất thích trên mạng và muốn tìm trang web tương tự, hãy nhập "related:" và địa chỉ của trang web (lưu ý không có dấu cách giữa chúng).

9. Toàn bộ cụm từ

Đưa cụm từ vào trong dấu ngoặc kép là cách đơn giản và hiệu quả nhất để tìm một thứ gì đó cụ thể và theo thứ tự chính xác mà bạn đã nhập. Ví dụ, nếu bạn gõ những từ I’m picking up good vibrations mà không dùng dấu ngoặc kép, công cụ tìm kiếm sẽ hiển thị các website mà những từ này xuất hiện theo thứ tự bất kỳ. Tuy nhiên, nếu gõ có dấu ngoặc kép, bạn sẽ chỉ nhận được kết quả theo đúng thứ tự bạn nhập vào ô tìm kiếm. Đây là cách hữu ích khi tìm lời bài hát nếu bạn chỉ biết một câu.

10. Bỏ những từ không quan trọng

Để loại bỏ các từ không quan trọng khi tìm kiếm, bạn chỉ cần viết ký hiệu "-" trước mỗi từ đó. Ví dụ, nếu bạn muốn tìm một trang web về các cuốn sách thú vị, nhưng không muốn mua chúng, bạn có thể gõ "interesting books -buy". Google sẽ giúp bạn loại bỏ thông tin không cần thiết. 

Theo Phiêu Linh (VnExpress.net)

HTC

HTC từ lâu đã vấp phải vấn đề nghiêm trọng: không tung ra được một mẫu điện thoại đủ khiến người dùng phải ngóng đợi, phấn khích.

Nhưng, những người như anh Luân ngày càng ít dần.

Sau 7 năm sử dụng, anh Luân cũng như rất nhiều người yêu thích HTC khác hiểu rất rõ những gì sản phẩm của hãng này mang lại: thiết kế cao cấp, cá tính và khác biệt, màn hình luôn trong top đầu đánh giá từ chuyên gia, giao diện Sense thanh thoát, dễ dùng. Nhưng có lẽ, ít ai trong số họ có thể giải thích được tại sao một hãng sở hữu các sản phẩm tốt như vậy nhưng ngày càng lấn sâu vào thua lỗ. 

Quá trình vươn lên và đi xuống nhanh chóng của HTC là minh chứng cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường smartphone, nơi nỗ lực tạo ra một sản phẩm tốt là chưa đủ. 

Từng là hãng smartphone đứng thứ tư thế giới chỉ sau Samsung, Apple và Nokia với số vốn hoá thị trường lên tới 33,8 tỷ USD năm 2011, sau 6 năm, HTC đã bị đẩy vào mục "những nhà sản xuất còn lại" trong bảng xếp hạng smartphone toàn cầu. 

Giá cổ phiếu của HTC trong 5 năm qua. Nguồn: Bloomberg

Và đến ngày 20/9, Google xác nhận kế hoạch mua lại một phần bộ phận di động của HTC với giá 1,1 tỷ USD sau nhiều tin đồn thổi.

Bà Cher Wang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành HTC, vớt vát tự hào: "Với tư cách là người từng đi đầu thị trường smartphone, chúng tôi tự hào bởi lịch sử và những sáng tạo của mình. Những giá trị trong lĩnh vực này, bao gồm các kỹ sư tài năng của HTC, hệ sinh thái và bằng sáng chế, sẽ hỗ trợ Google phát triển trên thị trường Android..." 

Còn Phó Chủ tịch cấp cao mảng phần cứng của Google, ông Rick Osteloh, thì vui mừng: "Chúng tôi rất hồi hộp đón chào các thành viên HTC gia nhập Google để cùng phát triển các thiết bị tiêu dùng tương lai...".

Hành trình đi lên

HTC (High Tech Company) được thành lập tháng 5/1997 dưới sự dẫn dắt của Peter Chou và Cher Wang - một trong chín người con của Wang Yung-Chinh, người giàu thứ hai Đài Loan và là một trong những người giàu nhất thế giới.

Năm 2006, HTC bắt đầu kế hoạch xây dựng mẫu smartphone của riêng mình. Một năm sau đó, họ cùng Google và T-Mobile làm ra phiên bản điện thoại đầu tiên chạy hệ điều hành Android là G1, hay còn gọi là HTC Dream. Cher Wang ấp ủ tham vọng tạo ra một thiết bị nhỏ gọn có thể nghe gọi, chơi nhạc, nhưng công ty lại khởi đầu bằng việc sản xuất thiết bị cho các hãng khác, trong đó có Pocket PC của Compaq. Sự hợp tác với Compaq đã mở ra những bản hợp đồng mới của hãng với Microsoft, Google, T-Mobile, O2, Vodafone. HTC sớm đạt được thành công, nhưng không có được thương hiệu riêng.

Những năm từ 2008 tới 2011, HTC tận hưởng "quả ngọt" nhờ có kinh nghiệm trong sản xuất phần cứng, tạo dấu ấn về phần mềm với giao diện Sense. Ở giai đoạn hoàng kim, HTC luôn được biết đến là nhà sản xuất có các sản phẩm thể hiện được cá tính riêng. Thiết kế nhôm khối sang trọng của HTC Hero, Legend.. cùng độ hoàn thiện cao cấp dòng Sensation, Desire và giao diện độc đáo là điểm mạnh dễ nhận thấy của hãng. Nhà sản xuất Đài Loan cũng rất chịu khó chạy đua công nghệ khi tung ra điện thoại hỗ trợ 4G LTE đầu tiên tại Mỹ là HTC Evo năm 2010. Trong năm 2011, hãng cũng tạo ra dấu ấn với chiếc Thunderbolt, smartphone đầu tiên hỗ trợ LTE trên mạng Verizon. Di động hai camera, hỗ trợ 3D cũng đều có trong danh sách của HTC. 

Trong năm 2009, HTC vẫn đứng thứ tư thị phần điện thoại toàn cầu dù chỉ làm smartphone. Lúc này, Samsung mới chỉ manh nha có những đầu tư mạnh mẽ, còn trong thế giới Android, HTC vẫn được coi là nhà sản xuất quyền lực nhất. Quý cuối cùng năm 2010 chứng kiến nhà sản xuất Đài Loan độc chiếm ngôi vị dẫn đầu doanh số bán ra điện thoại chạy hệ điều hành của Google theo thống kê của IDC. 

Tới 2011, giá trị thị trường của HTC đã vượt Nokia và chiếm 10% thị phần smartphone toàn cầu. Nhưng trong giai đoạn chứng kiến sự thất thế của hai ông lớn là RIM Và Nokia, HTC lại không thể "phất cờ". Kẻ tận dụng được thời cơ đó là Samsung. 

Trong năm 2012, HTC leo lên được vị trí thứ tư nhưng là do RIM đi xuống quá nhanh. Trong top 5 vị trí dẫn đầu, chỉ có Samsung và Apple là thực sự tăng doanh số. HTC bắt đầu giảm từ 43,6 triệu chiếc xuống còn 32,6 triệu chiếc so với cùng kỳ năm 2011. Những dấu hiệu cho sự đi xuống bắt đầu hiện hữu. 

Năm 2013, HTC chính thức rời khỏi bảng xếp hạng các nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. 

Một trong những sự kiện ảnh hưởng lớn đến số mệnh HTC là thời điểm tháng 3/2010, Apple kiện HTC vi phạm bản quyền và sao chép các tính năng trên iPhone. Dù mục tiêu nhắm tới là tiêu diệt Google, Apple lại không chọn đối đầu với hãng dịch vụ tìm kiếm mà khơi mào cuộc chiến với các nhà sản xuất Android mà tâm điểm là Samsung và HTC. 

Thị phần của các hãng điện thoại từ 2008 đến 2014

Nhìn biểu đồ trên, có thể dễ dàng nhận ra sự sa sút của HTC đến sau năm 2011 nhanh như thế nào. Trong một quãng, sự trượt dốc này còn chóng mặt hơn cả Nokia - nơi vốn đang diễn ra một cuộc sụp đổ.

Theo Vicky Yeh, chuyên gia phân tích tại công ty IEK (Đài Loan), những rắc rối về kiện cáo khiến HTC xao lãng và thiệt hại hàng tỷ USD. Nghiêm trọng hơn, lệnh cấm nhập khẩu khiến số máy xuất xưởng tới Mỹ bị giảm gần một nửa vào năm 2012, trong đó có những dòng cao cấp như One X hay Evo 4G LTE. Đến tháng 11/2012, Apple và HTC tuyên bố đã ký thoả thuận khai thác bản quyền trong 10 năm để kết thúc chuỗi kiện cáo mệt mỏi giữa hai công ty.

Thời điểm đó, Winston Yung, Giám đốc tài chính HTC, tỏ vẻ lạc quan và khẳng định công ty sẽ không rơi vào bế tắc như những gì đã xảy ra với Nokia. Thế nhưng, từ năm 2013, nhà sản xuất smartphone lớn nhất Đài Loan bắt đầu kinh doanh thua lỗ với lợi nhuận âm 101,2 triệu USD, một phần do mẫu điện thoại One bị hoãn bán đúng vào thời điểm Samsung giới thiệu Galaxy S4. HTC bị đẩy xuống vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất smartphone.

Tháng 9/2015, Peter Chou âm thầm rời HTC như một cách thừa nhận thất bại. Dưới thời CEO Cher Wang sau đó, HTC nỗ lực làm mới mình với camera 360 độ mang tên Re, kính thực tế ảo Vine, hợp tác với Under Armor để phát triển thiết bị đeo thông minh và cùng Google sản xuất máy tính bảng Nexus 9.

Tuy nhiên, hai năm trôi qua, HTC vẫn giậm chân tại chỗ và loay hoay tìm lại ánh hào quang đã mất.

Nguyên nhân thất bại

Vụ kiện với Apple đã khiến HTC lao đao một phần. Chiến lược sai lầm, nghèo nàn về marketing mới là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của họ.

Thiết kế cao cấp sang trọng nhưng thiếu những điểm nhấn cần có cho một chiến dịch marketing.

Tại thị trường Mỹ tiềm năng nhưng khó tính bậc nhất thế giới, HTC chưa từng chi mạnh tiền quảng cáo cho các hãng viễn thông như Apple hay Samsung. Từ năm 2012, họ chuyển trọng tâm sang thị trường mới nổi để bù đắp cho doanh số bán hàng tại châu Âu, Mỹ sụt giảm. Thế nhưng, ông Chou kiên quyết không áp dụng chiến lược thiết bị giá rẻ như ZTE hay Huawei, mà lại cố chinh phục bằng những dòng thiết bị cao cấp vì không muốn huỷ hoại hình ảnh thương hiệu của mình.

Kết quả, họ bị mắc kẹt giữa một bên là Apple - Samsung làm mưa làm gió ở Mỹ, châu Âu trong khi các thương hiệu Trung Quốc thống lĩnh thị trường giá rẻ. Tới 2014, ba thương hiệu Trung Quốc là Lenovo, Huawei và Xiaomi đã sánh vai cùng Samsung, Apple, LG đứng trong danh sách những thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới.

Peter Chou từng thừa nhận marketing chính là vấn đề của hãng.

Apple và Samsung rất thành công với việc giữ bí mật sản phẩm và tung ra các hình ảnh rò rỉ bài bản để thu hút sự chú ý rồi triển khai chiến dịch quảng bá rầm rộ sau khi ra mắt, trong khi smartphone của HTC chẳng có "mánh khóe" gì để gây tò mò. Cùng có thiết kế đẹp, tính năng tốt như nhau, nhưng Apple và Samsung biết dùng các mỹ từ "thần thánh hoá" sản phẩm của mình trong khi HTC mãi chỉ là "quietly brilliant" (toả sáng thầm lặng) như slogan cũ của họ.

Video quảng cáo ấn tượng bậc nhất của HTC.

Tháng 11/2015, khi bắt đầu triều đại mới của CEO Cher Wang, HTC tung video khẳng định muốn làm "kẻ nổi loạn" ngáng chân Apple và tạo nên khác biệt. Đây cũng được coi là video ấn tượng bậc nhất trong các chiến dịch marketing của hãng. Nhưng "một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân", HTC không thể thành công trở lại với lác đác những điểm nhấn và "sớm nở tối tàn" trước cơn lốc truyền thông đến từ Samsung hay Apple. 

Tháng 8/2017, HTC đạt doanh thu chỉ 99,69 triệu USD, thấp nhất trong suốt 13 năm và giảm 51,5% so với tháng trước đó. 

HTC có nhiều mẫu điện thoại, nhưng lại không kiên trì và tạo được một thương hiệu mạnh như Galaxy S hay Galaxy Note của Samsung. HTC từng rất mạnh với dòng One, nhưng sau thất bại với One M9 năm 2015, họ lại cho ra đời thế hệ mới với tên gọi vỏn vẹn là HTC 10. Đến 2017, công ty lại tung ra dòng cao cấp với cái tên không thể tệ hơn là "U" với U Ultra, U Play và U11.  

Những người hâm mộ HTC như anh Luân (ảnh) hy vọng vào một sự khởi sắc sau thương vụ với Google.

Gần đây, đại diện một hệ thống siêu thị điện thoại lớn tại Việt Nam cho hay, họ đang tính đến việc dừng bán HTC U11 vì doanh số quá thấp. Bốn tháng có mặt trên thị trường nhưng lượng máy bán ra tại hệ thống này chỉ được hơn 80 chiếc. Dù sản phẩm có nhiều ưu điểm và đã được HTC quảng bá mạnh, người dùng dường như không hứng thú.

Cái bắt tay giữa HTC và Google vừa rồi được cho là sự khởi đầu mới cho cả hai với cùng một ước mơ: Chinh phục danh hiệu nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.

Theo Châu An - Tuấn Hưng (VnExpress.net)

Galaxy S8 sẽ ra mắt tại Việt Nam ngày 19/4

Bộ đôi Galaxy S8 và S8+ sẽ được giới thiệu trong tuần tới với giá được dự đoán khoảng trên 18 triệu đồng. 

galaxy-s8-se-ra-mat-tai-viet-nam-ngay-19-4

Hơn 2 tuần sau khi công bố toàn cầu, Samsung chuẩn bị đưa bộ đôi Galaxy S8 và S8+ về thị trường Việt Nam. Sự kiện sẽ được tổ chức tại TP HCM vào ngày 19/4. Theo một số nhà bán lẻ, máy sẽ đến tay người dùng vào đầu tháng sau. 

Tuy chưa được công bố chính thức, hầu hết các hệ thống đều đặt giá dự kiến cho hai máy là 18,99 và 20,99 triệu đồng. Cả S8 và S8+ đều có màn hình cong nên giá bán khởi điểm năm nay cao hơn khoảng 2 triệu đồng so với Galaxy S7 năm ngoái. 

Cuối tuần trước, những chiếc Galaxy S8 đầu tiền đã xuất hiện tại Việt Nam thông qua đường xách tay với giá khởi điểm là 16,99 triệu đồng trong khi bản màn hình lớn S8+ giá khoảng 19 triệu đồng. Đây là các máy được mua từ thị trường Hàn Quốc. 

Đối thủ của Galaxy S8 tại Việt Nam sẽ là các model như iPhone 7 (từ 18,7 triệu đồng, HTC U Ultra (16 triệu đồng), Sony Xperia XZs (15 triệu đồng), Xiaomi Mi Mix (17 triệu đồng) hay LG G6 cũng sắp bán ra. 

 

Điểm nổi bật của Galaxy S8 là màn hình vô cực (Infinity Display) chiếm gần hết diện tích mặt trước. Bên cạnh đó, màn hình này với tỉ lệ 18,5:9 giúp cho bề ngang máy gọn hơn cũng như hiển thị được nhiều nội dung hơn. Ngoài ra, model này cũng có cảm biến mống mắt như Galaxy Note 7, cảm biến vân tay, camera nâng cấp, khả năng chống nước và cấu hình mạnh. 

Theo Tuấn Hưng (VnExpress.net)

Những công nghệ sắp thay thế cho password truyền thống

Những cách nhận diện độc đáo như nhịp tim, tĩnh mạch, selfie, mống mắt... được dự đoán sẽ thay thế mật khẩu phổ thông trong tương lai. Giốn...